VỤ GIAN LẬN ĐIỂM THI TẠI HÒA BÌNH - PHẦN 1: THƯỢNG TÁ KHƯƠNG NGỌC CHẤT OAN HAY KHÔNG OAN?
Như đã nói suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tố tụng đã dùng lời khai duy nhất của Tuấn để buộc tội Khương Ngọc Chất. Oái oăm thay, những lời khai của Tuấn dễ dàng bị “bóc mẽ” là lời khai bịa đặt, gian dối
Sau 1 tuần xét xử và thời gian nghị án kéo dài đến 4 ngày, sáng nay 21/5/2020, TAND tỉnh Hòa Bình đã tuyên án đối với 15 bị cáo trong vụ án liên quan đến việc gian lận điểm thi gây xôn xao dư luận tại tỉnh này. Đây là một vụ án không chỉ gây chấn động dư luận, chấn động ngành giáo dục và dù, vụ án được xét xử đúng vào thời gian dư luận tập trung vào một số sự kiện nóng; nhưng điều đó không làm cho mọi giới ngớt sự quan tâm đến vụ án này. Sẽ không có gì đáng nói, nếu tại phiên tòa, Thượng tá Khương Ngọc Chất - Bị cáo duy nhất xuất thân từ công an, cựu Trưởng phòng An ninh Chính trị Nội Bộ - Công an tỉnh Hòa Bình đã gây xôn xao dư luận khi nhiều lần lớn giọng khẳng định: “Tôi bị oan, tôi bị vu khống, tôi sẽ mãi kêu oan đến nhiều đời, đến đời con, đời cháu”. Lẫn trong giọng khẳng khái là những giọt nước mắt của vị Thượng tá này - Giọt nước mắt không phải của sự hối hận; mà là giọt nước mắt của oan khuất. Điều gì? Điều gì khiến Khương Ngọc Chất kêu oan suốt quá trình điều tra, truy tố và ngay cả tại phiên tòa xét xử, đến nỗi dám khẳng định sẽ kêu oan đến nhiều đời? Khi ai đó cược cả nhiều đời của dòng họ mình vào một việc, mà theo họ, đó là oan trái, thì đó chỉ có thể là hai từ: Danh dự.
Được dẫn dắt bởi suy nghĩ đó, tôi đã theo sát vụ án này ngay từ giai đoạn 1. Vì vậy, bài viết này không được viết để bào chữa hay biện hộ cho Khương Ngọc Chất; bài viết nên được đọc và hiểu theo cách nhìn khách quan trên cơ sở vận dụng pháp luật để thấy liệu rằng: vị Thượng tá an ninh này có bị oan hay không oan?
• Trọng chứng hay trọng cung?
Ngày 14/9/2019, Cơ quan ANĐT (BCA) đã ra lệnh khởi tố, bắt tạm giam đối với Thượng tá Khương Ngọc Chất với tội danh được cáo buộc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại điều 356 BLHS. Đây là động thái của BCA trong việc mở rộng điều tra vụ án gian lận thi cử tại tỉnh Hòa Bình; mà trước đó, cũng trong động thái mở rộng điều tra vụ án, BCA đã khởi tố và bắt giam nhiều bị can khác, trong đó có bị can Đỗ Mạnh Tuấn - Nguyên hiệu phó Trường PTDT nội trú huyện Lạc Thủy; và từ lời khai của Đỗ Mạnh Tuấn cơ quan ANĐT (BCA) đã khởi tố, bắt giam Khương Ngọc Chất như đã nói trên.
Điều đáng nói là trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; để buộc tội Chất các cơ quan tố tụng chỉ dựa và dùng duy nhất lời khai đầy mâu thuẫn của Đỗ Mạnh Tuấn để làm chứng cứ buộc tội Khương Ngọc Chất với lập luận mơ hồ “Dù Khương Ngọc Chất không nhận tội, nhưng lời khai của Đỗ Mạnh Tuấn và các bị cáo khác đồng nhất, nên đủ để buộc tội Chất”- Một lập luận dùng tính từ “đồng nhất”- Một tính từ không được quy định trong luật hình sự, lẫn luật Tố tụng Hình sự (TTHS) để buộc tội cho thấy sợi dây trói Chất lỏng lẻo đến khó ngờ.
Vậy, Đỗ Mạnh Tuấn đã khai gì để vị Thượng tá vướng vòng lao lý? Nội dung lời khai của Đỗ Mạnh Tuấn có thể dẫn ra các điểm chính:
- Tuấn khai vào đầu tháng 5/2018 Khương Ngọc Chất nhờ nâng điểm cho 10 thí sinh
- Tuấn khai: Vào ngày 20/6/2018, tại một quán ăn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, Chất đã đưa 500.000.000 đồng (Năm trăm triệu đồng) cho Tuấn để nhờ nâng điểm.
- Tuấn khai: Vào ngày 29/6/2018, Khương Ngọc Chất đến nhà khách công vụ Công an tỉnh Hòa Bình, để bàn bạc và đưa cho Tuấn thông tin thí sinh nhờ nâng điểm.
- Tuấn cũng khai tại phiên tòa: Sau đó sự việc bị bại lộ, nên Tuấn có đến nhà Chất gặp Chất và mẹ Chất, Chất động viên Tuấn: “Cứ bình tĩnh, nếu công an hỏi thì chỉ nói hỏi hoa hồng, hoa huệ”.
Ngoài lời khai của mình, Tuấn không có hoặc không cung cấp được bất kỳ chứng cứ nào dù chỉ là cuộc gọi hay tin nhắn giữa Tuấn và Chất để khẳng định lời khai của mình là có cơ sở. Thế nhưng, lạ thay, các cơ quan tố tụng lại tin và cho rằng lời khai của Tuấn là đúng, là có cơ sở mà lẽ ra việc các cơ quan tố tụng cần làm và đó là trách nhiệm của họ được quy định trong Bộ luật TTHS là phải Chứng minh một cách khoa học, chặt chẽ chứng cứ vật chất để khẳng định lời khai của Tuấn - Tiếc là họ đã không làm vậy mà kết tội Khương Ngọc Chất một cách dễ dãi đến khó tin…
• Khi lời khai bịa đặt bị “bóc mẽ”…
Như đã nói suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tố tụng đã dùng lời khai duy nhất của Tuấn để buộc tội Khương Ngọc Chất. Oái oăm thay, những lời khai của Tuấn dễ dàng bị “bóc mẽ” là lời khai bịa đặt, gian dối. Cụ thể: Về việc Tuấn khai Chất nhờ Tuấn can thiệp điểm thi vô cùng bất nhất, lúc Tuấn khai Chất nhờ nâng điểm cho 17 thí sinh; sau đó chính Tuấn nâng lên thành 25 thí sinh; rồi hạ xuống còn 17 thí sinh; và cuối cùng Tuấn “chốt hạ” với cơ quan điều tra là Chất nhờ nâng điểm cho 10 thí sinh - Một lời khai bất nhất, vô tiền khoáng hậu như thế liệu có thể dùng làm chứng cứ buộc tội thượng tá Khương Ngọc Chất? Trong khi ngay chính tại tòa, các phụ huynh có con em “bị” nâng điểm thi khẳng định không hề biết Chất; không hề nhờ Chất; không có quan hệ với Chất; và họ rằng: “Con họ bị nâng điểm thi, họ không có nhu cầu mua điểm”?
Chưa hết, ngày 20/6/2018 là ngày Tuấn khai Chất đưa tiền, thì lại là ngày họp giao ban Công an tỉnh Hòa Bình, 7 giờ sáng Chất đã phải chuẩn bị tài liệu, 7 giờ 15 đã vào họp. Biên bản họp thể hiện đầy đủ chất có mặt, thì thử hỏi thời gian đâu mà Chất đưa tiền cho Tuấn với số tiền lớn như thế? Và không lẽ nào, Tuấn khi nhận tiền từ Chất đã không kiểm tra? Đây là điều vô lý đến mức khó tin, nhưng vẫn được các cơ quan tố tụng dùng làm chứng cứ để buộc tội Chất….
Buồn cười hơn nữa, Tuấn khai: Khi vụ việc bị bại lộ, Tuấn đến nhà Chất gặp Chất và mẹ Chất…Đây là lời khai mà nếu muốn làm rõ thì cơ quan ANĐT chỉ cần mất một phút mốt - khi mà Camera an ninh khu phố đặt quanh nhà Chất. Chỉ cần trích xuất Camera là biết Tuấn có đến hay không? Trong khi trong quá trình điều tra và tại tòa, Chất liên tục yêu cầu cơ quan điều tra cần trích xuất Camera để chứng minh lời khai của Tuấn là bịa đặt, thì yêu cầu chính đáng này của Chất đã không được cơ quan điều tra đáp ứng.
Nhiều, rất nhiều nội dung trong lời khai của Tuấn dễ dàng bị “bóc mẽ” để lột trần sự gian dối, bịa đặt mà không cần phải mất công sức, thời gian hay công nghệ. Nhưng vẫn đau đáu một câu hỏi: Vì sao các cơ quan tố tụng không làm, câu trả lời ngay ở dưới đây:
• ...Khi chứng cứ ngoại phạm mười mươi bị bỏ qua…
Tuấn khai: Ngày 29/6/2018 Chất gặp Tuấn tại nhà khách công vụ công an tỉnh Hòa Bình. Nhưng hỡi ôi, ngày mà Tuấn khai Tuấn gặp Chất, thì Chất đang làm nhiệm vụ được phân công là chỉ đạo cuộc đua xe ở một nơi cách xa trung tâm thành phố Hòa Bình. Với chứng cứ ngoại phạm này thì vì động cơ gì mà các cơ quan tố tụng không xác minh, làm rõ, dù rất dễ dàng khi đây là một công việc mà Chất được phân công theo nhiệm vụ, sổ lưu, hồ sơ phân công công vụ đối với Tuấn vào ngày 29/6/2018 chắc chắn còn rất rõ. Hơn nữa, chứng cứ ngoại phạm mười mươi này của Chất trực tiếp “bóc mẽ” lời khai bịa đặt của Tuấn.
• ...Và dùng lời khai của người có mâu thuẫn với bị cáo để kết tội chính bị cáo…
Nghe qua có vẻ khó tin, nhưng thật oái oăm khi chứng cứ chứng minh có cơ sở rõ ràng là Đỗ Mạnh Tuấn có thể vì ghét Khương Ngọc Chất mà đưa lời khai vu oan, giá họa cho Chất. Nói oái oăm là bởi vì trước đó, chính Chất là người đưa Tuấn ra đầu thú, nhận tội. Cụ thể: Vào ngày 28/7/2018, khi Chất đang làm thủ tục nhập viện cho mẹ Chất tại bệnh viện Đại học Y Dược Hà Nội, thì đích thân ông Nguyễn Trọng Đắc (giám đốc sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình lúc đó), gọi điện thoại cho Chất nói là Tuấn đã khai nhận hành vi phạm tội. Ngay lập tức, thượng tá Chất báo cáo cho đích thân Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình và báo cáo trực tiếp cho Cục trưởng Cục A03-BCA, đồng thời Chất đề xuất vận động đưa Tuấn đi đầu thú. Được cấp trên đồng ý, đích thân Chất đến sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình dẫn Đỗ Mạnh Tuấn đến cơ quan ANĐT công an tỉnh Hòa Bình làm thủ tục đầu thú.
Chúng ta thấy gì? Giả sử thực chất rằng Chất có nhờ Tuấn can thiệp nâng điểm, có đưa tiền cho Tuấn. Thì liệu Chất có đích thân đề xuất, vận động, đưa Tuấn đi đầu thú, khi mà Chất có điều kiện để nhân sự dưới quyền làm thay? Và việc Chất vận động, đưa Tuấn đi đầu thú có tạo hiềm khích, thù hằn từ Tuấn? Chắc chắn đó là lẽ đương nhiên.
Nhưng quan trọng hơn, như đã nói trên, Đỗ Mạnh Tuấn mâu thuẫn với Chất đã được chứng minh một cách rõ ràng. Vậy luật nào? Quy định nào cho phép dùng lời khai của người có mâu thuẫn với chính bị cáo để kết tội bị cáo?
Câu trả lời tôi dành cho bạn đọc….
…Và tiếp theo, tôi sẽ cho thấy việc vi phạm tố tụng cực kỳ nghiêm trọng….
[theo Chuyên gia Pháp lý Cao cấp TRẦN VĂN TUẤN]
ĐT: 0913.26.7777 - Email: tuanlawyer2014@gmail.com
Liên hệ tư vấn:
Công ty TNHH LUẬT NHẬT VIỆT
Địa chỉ: Số 49/5/6 Đường TCH16, P. Tân Chánh Hiệp, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh
☎ 0913.26.7777 - 034.823.7777 [Chuyên gia Pháp lý Cao cấp TRẦN VĂN TUẤN]
📧 Email: tuanlawyer2014@gmail.com